Cả vùng trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ, cho thu nhập ‘khủng’

Khoảng 80% hộ dân trồng dưa lưới ở xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) đã ứng dụng công nghệ cao, chăm sóc theo hướng hữu cơ, cho thu nhập hàng tỉ đồng/ha/năm.

Trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học đang là xu hướng được người dân trong làng Ia Sik (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh phát triển trong khoảng vài năm trở lại đây.

Dọc con đường bê tông vào làng Ia Sik, hình ảnh những vườn dưa lưới trong nhà màng bao trùm trên khoảng không gian rộng lớn tại các khu vườn. Nhiều người dân cho biết, trồng dưa lưới đang trở thành hướng phát triển kinh tế mới ở đây bởi loại cây này rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và cho năng suất cao.

Đang cặm cụi chăm sóc vườn dưa lưới của gia đình, ông Trần Đình Tư (làng Ia Sik, xã Ia Nhin) cho biết, trước đây trên mảnh vườn này gia đình ông trồng chanh leo. Sau đó, chanh leo rớt giá thê thảm, ông được người quen gợi ý đến mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Thấy mô hình thực sự có hiệu quả, gia đình ông quyết định đầu tư trồng thử nghiệm trên diện tích 1 sào (sào 1.000m2).

“Trồng dưa lưới chỉ khoảng 60 – 70 ngày sẽ cho thu hoạch. Đến nay gia đình đã trồng được 3 vụ dưa lưới, trung bình mỗi vụ cho năng suất 4 tấn/sào. Với giá hiện nay khoảng 25 ngàn đồng/kg, gia đình thu về gần 100 triệu đồng”, ông Tư nói và cho biết, mỗi năm dưa lưới cho thu hoạch 4 lần, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Dưa lưới giúp gia đình ông Trần Đình Tư (làng Ia Sik, xã Ia Nhin) nâng cao thu nhập. Ảnh: Tuấn Anh.

Dưa lưới giúp gia đình ông Trần Đình Tư (làng Ia Sik, xã Ia Nhin) nâng cao thu nhập. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Tư cho biết, người trồng dưa lưới phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến lúc thu hoạch sản phẩm.

“Dưa lưới phải được trồng trong nhà màng, áp dụng công nghệ cao đúng theo quy trình của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến đang áo dụng. Việc trồng trong nhà màng sẽ không lo ngại đến vấn đề thời tiết, đặc biệt các loại côn trùng, sâu hại không thể tấn công nên không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rất thuận lợi để sản xuất theo quy trình hữu cơ. Còn nếu trồng ngoài trời, buộc phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, như vậy chất lượng dưa lưới sẽ không được đảm bảo” ông Tư chia sẻ.

Có 0,9 sào dưa lưới chuẩn bị cho thu hoạch, ông Nguyễn Anh Tuấn (làng Ia Sik, xã Ia Nhin) cho biết, năng suất vườn dưa lưới dự kiến khoảng 4 tấn, với giá 25 ngàn đồng/kg như hiện nay, gia đình thu về khoảng gần 100 triệu đồng.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề trồng dưa lưới, ông Tuấn cho biết, ông có rất nhiều bà con trồng dưa lưới trong Bình Dương, thấy lợi nhuận từ mô hình này mang lại rất cao nên gia đình quyết định đầu tư. Theo ông Tuấn, trồng dưa lưới trên Gia Lai rất phù hợp khi cho năng suất cao.

Vườn dưa lưới của gia đình ông Nguyễn Anh Tuấn (làng Ia Sik, xã Ia Nhin) sắp cho thu hoạch. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn dưa lưới của gia đình ông Nguyễn Anh Tuấn (làng Ia Sik, xã Ia Nhin) sắp cho thu hoạch. Ảnh: Tuấn Anh.

“Học theo mô hình từ trong Bình Dương, gia đình tôi đầu tư hệ thống nhà màng khoảng 200 triệu đồng. Việc dưa lưới trồng trong nhà màng sẽ đảm bảo nhiệt độ đủ nóng để phái triển. Ngoài ra, việc trồng dưa lưới trong nhà màng sẽ phòng chống được các loại côn trùng, vi khuẩn xâm nhập”, ông Tuấn chia sẻ.

Về quy trình chăm sóc, gia đình ông Tuấn chủ yếu sử dụng phân hữa cơ, đồng thời đầu tư hệ thống tưới tự động cho từng gốc cây. Theo đó, phân bón cũng sẽ được đi theo hệ thống tưới tự động, giúp dưa lưới hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.

Trước hiệu quả của mô hình trồng dưa lưới tại xã Ia Nhin, năm 2021, huyện Chư Păh đã tập hợp hội viên nông dân thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng dưa lưới nhằm chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Khi tham gia Tổ hội, các thành viên được chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng nhà màng, hệ thống bơm, phun nước đảm bảo quy trình kỹ thuật và liên kết ổn định đầu ra cho sản phẩm.’

Ông Phan Văn Nguyên, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng dưa lưới xã Ia Nhin cho biết, khi mới thành lập, Tổ hội nghề nghiệp trồng dưa lưới xã Ia Nhin chỉ có 3 thành viên, hiện đã có trên 30 hộ dân tham gia.

Dưa lưới rất phù hợp trồng trên đất Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Dưa lưới rất phù hợp trồng trên đất Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Mô hình trồng dưa lưới đưa về xã Ia Nhin khoảng 3 năm và được người dân trong vùng đẩy mạnh phát triển bởi năng suất, giá cả và thị trường đầu ra luôn ổn định. Để đạt được điều này, dưa lưới cần được chăm sóc rất bài bản trong nhà màng, trồng theo quy trình của các nước tiên tiến, đồng thời ứng dụng thêm những thứ sẵn có của địa phương. Trong đó, dưa lưới chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, dùng chế phẩm sinh học và gần như “nói không” với phân bón hóa học.

Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Păh cho biết, huyện Chư Păh đã xây dựng Đề án về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực và là cơ sở thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

“Mô hình trồng dưa lưới tại xã Ia Nhin đã có hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập cho người dân. Nếu như năm 2021 huyện chỉ triển khai được 1 mô hình với diện tích 1 sào thì đến nay đã nhân rộng lên 7ha, lợi nhuận thu về mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng/ha”, ông Sơn chia sẻ.

Theo: Chuyennongnghiep

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one