Hội Chè Thái Nguyên triển khai chuyển giao quy trình trồng chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho người dân, đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè hữu cơ.
Vùng đất Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi để phát triển vùng chè đặc sản. Ảnh: Phạm Hiếu.
Mở rộng đường tiêu thụ cho chè hữu cơ
Thái Nguyên là tỉnh có diện tích trồng chè dẫn đầu cả nước với gần 25.000ha. Vùng đất Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi để phát triển chè đặc sản. Nhiều năm nay, người dân địa phương đã biết tận dụng tối đa lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để tạo nên những sản phẩm chè xanh truyền thống có hương thơm, vị đượm rất đặc trưng, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm chè trên thị trường trong nước và quốc tế, từ năm 1998, tỉnh Thái Nguyên đã sớm sản xuất chè hữu cơ và đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế IFOAM.
Tuy nhiên do gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm nên hướng đi này không thể phát triển mạnh mẽ. Cho đến nay, diện tích chè hữu cơ trên địa bàn tỉnh mới đạt 65ha, trong đó có 60ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và 5ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ IFOAM.
Thời gian qua, nhằm từng bước chuyển đổi nhận thức của người dân từ canh tác chè truyền thống sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để thương hiệu chè hữu cơ Thái Nguyên có thể tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước, Hội Chè Thái Nguyên đã triển khai chuyển giao quy trình trồng chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho người dân.
Theo đó, Hội Chè Thái Nguyên đã phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn người dân sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Các học viên đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam 11041-6:2018 và kết nối, giới thiệu các đối tác quan tâm đến sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ để liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Việc chăm sóc chè theo hướng hữu cơ tương đối kỳ công, tỉ mỉ. Ảnh: Phạm Hiếu.
Là một trong những học viên tham gia lớp tập huấn, bà Phạm Thị Thanh Xuân (thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ) cho biết, hiện gia đình có 5 sào chè trồng theo hướng hữu cơ từ năm 2021. Việc chăm sóc chè theo hướng hữu cơ tương đối kỳ công, tỉ mỉ. Quá trình chăm sóc cây chè không được dùng phân kích thích mà phải bón phân hữu cơ, dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học theo ngày quy định, đảm bảo thời gian cách ly trước khi xuất bán.
“Chè trồng theo hướng hữu cơ sẽ đảm bảo an toàn, cho chất lượng tốt. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất hiện nay trong sản xuất chè theo hướng hữu cơ là sản phẩm vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Với việc tham gia các chương trình kết nối giao thương, thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng sản phẩm làm ra sẽ được giới thiệu, quảng bá để tiêu thụ thuận lợi hơn…”, bà Xuân chia sẻ.
Theo Liên đoàn các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ quốc tế (viết tắt là IFOAM), sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sản xuất theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn của IFOAM với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, an toàn với người sử dụng, đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất.
Theo quy định tiêu chuẩn của IFOAM, người sản xuất không được sử dụng hóa chất độc hại trong bảo vệ thực vật để trừ sâu, bệnh, cỏ dại, cũng như các loại phân hóa học, sản xuất chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái trong tự nhiên.
Đầu tư mạnh phát triển chè hữu cơ
Vùng chè xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh là nơi nổi tiếng bởi có nhiều sản phẩm chè chất lượng nhất của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Xóm Khe Cốc hiện có 143 hộ với hơn 500 nhân khẩu, diện tích chè kinh doanh khoảng 80ha.
Thời gian qua, với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm chè và xây dựng thương hiệu chè an toàn, hơn 10 hộ dân trong xóm đã thành lập HTX chè an toàn Khe Cốc. Các thành viên HTX lựa chọn phương thức sản xuất chè theo hướng hữu cơ với diện tích trên 40ha, trong đó có 20ha đã được cấp chứng nhận an toàn.
Sản xuất theo hướng hữu cơ, cây chè sinh trưởng ổn định, năng suất tốt. Ảnh: Phạm Hiếu.
Theo ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX chè an toàn Khe Cốc, từ khi chuyển sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ, các thành viên trong HTX đã sử dụng 100% các phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Sản xuất theo hướng hữu cơ cây chè sinh trưởng ổn định, năng suất bình quân đạt 125 tạ/ha, giá chè búp khô trung bình từ 250.000 – 350.000 đồng/kg. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân tăng từ 35 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 lên gần 70 triệu đồng như hiện nay.
Còn tại xã Phú Đô, huyện Phú Lương, nhờ sự tích cực của người dân trong cải tạo đất vườn tạp, đất đồi để trồng chè, diện tích chè của xã hiện đã mở rộng lên 675ha, tăng gần 100ha so với năm 2015, trong đó chè cành chiếm 90%. Đến nay xã Phú Đô có trên 60ha chè đã được cấp chứng nhận VietGAP.
Theo ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô, những năm qua, xã đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thương hiệu chè Phú Đô. Sản lượng chè búp tươi của xã năm 2023 ước đạt trên 7.000 tấn, tăng gần 1.000 tấn so với năm 2020; năng suất chè búp tươi ước đạt hơn 110 tạ/ha, giá bán chè búp khô trung bình đạt trên 200.000 đồng/kg.
“Chè là cây trồng đem lại thu nhập chính cho khoảng 70% số hộ trong xã. Cũng nhờ cây chè nên đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân của xã hiện nay đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 6%”, ông Phùng Thanh Hà cho hay.
Nhờ cây chè, đời sống của bà con đã được cải thiện rõ rệt. Ảnh: Phạm Hiếu.
Hiện nay, huyện Phú Lương có trên 4.100ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt 45.200 tấn/năm, đứng thứ 2 toàn tỉnh, đóng góp 35% vào giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của địa phương. Giá trị sản xuất chè cao gấp 4,6 lần so với sản xuất lúa gạo. Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung quy mô lớn chiếm 70% diện tích chè toàn huyện, chủ yếu ở các xã Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc.
Diện tích chè giống mới hiện chiếm gần 70% trong tổng diện tích chè của huyện Phú Lương. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng nguyên liệu chế biến chè xanh chất lượng cao theo định hướng của tỉnh. Toàn huyện hiện có 44 làng nghề chè được công nhận, 25 HTX và 26 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè.
Nâng cao giá trị sản xuất và thương hiệu chè của địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Phú Lương đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025. Cùng với triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu giống, huyện đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng chè VietGAP, chè hữu cơ…
Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng chè, tăng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, huyện Phú Lương cũng chú trọng hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè. Hàng năm, huyện đều hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm được tổ chức trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các HTX chè giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, qua đó mang lại hiệu quả nhất định.
Theo: chuyennongnghiep.vn