‘Thủ phủ’ mắc ca Tuy Đức đặt tiêu chí hữu cơ lên hàng đầu

Cùng với mục tiêu đưa Tuy Đức trở thành ‘thủ phủ’ mắc ca của Đắk Nông, huyện này đang tập trung áp dụng quy trình canh tác chuẩn hữu cơ, tạo sản phẩm chất lượng.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang xây dựng kế hoạch phát triển huyện Tuy Đức thành “thủ phủ” cây mắc ca của tỉnh theo hướng canh tác hữu cơ, bền vững.

Hợp tác xã mắc ca đặt tiêu chí hữu cơ lên hàng đầu

Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức là một trong những người có công đầu trong việc phát triển cây mắc ca ở vùng đất khó này.

Mắc ca sẽ là cây thế mạnh của huyện Tuy Đức. Trong ảnh là vườn mắc ca canh tác hướng hữu cơ của HTX Long Việt (xã Quảng Trực). Ảnh: Thùy Dung.

Mắc ca sẽ là cây thế mạnh của huyện Tuy Đức. Trong ảnh là vườn mắc ca canh tác hướng hữu cơ của HTX Long Việt (xã Quảng Trực). Ảnh: Thùy Dung.

“Từ hơn chục năm trước, tôi là người đầu tiên thực hiện trồng thử nghiệm cây mắc ca ở một số xã của Tuy Đức theo kế hoạch của tỉnh về việc chuyển đổi cây trồng. Sau khi thực hiện một thời gian, một số nơi trồng mắc ca không đạt hiệu quả nên nhiều người nản, tỏ ý hoài nghi. Riêng tôi vẫn kiên trì, tiếp tục thử nghiệm trồng một số giống mắc ca khác nhau trên cùng một vùng thổ nhưỡng và càng ngày tôi càng khẳng định về tính khả thi của mắc ca ở Tuy Đức khi đã có giống mắc ca phù hợp với địa phương, cho năng suất ổn định và thu nhập cao”, ông Đoàn Lê Anh kể.

Từ 2ha mắc ca trồng khảo nghiệm năm 2010, đến nay, diện tích mắc ca ở Tuy Đức đã tăng lên hơn 2.130ha. Trong đó, hơn 1/2 diện tích (1.240ha) đang cho thu hoạch. Năm 2022, sản lượng mắc ca của Tuy Đức đạt hơn 600 tấn. Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, cây mắc ca trồng trên địa bàn huyện sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh hại. Mặc dù sản lượng cho thu hoạch chưa nhiều so với tiềm năng, song bước đầu cho thấy cây mắc ca phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Tuy Đức.

Anh Điểu Duy, người M’nông ở thôn Đắk Huýt, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) cho biết, gia đình anh có 2ha vườn, trước khi trồng mắc ca, anh trồng cà phê, năng suất chỉ đạt từ 2,5 – 3 tấn/ha. Tùy giá thị trường, mỗi năm chỉ được khoảng 200 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Trừ chi phí đầu tư, số tiền thu được từ cây cà phê trước đây chỉ đủ trang trải chứ không dư. Đến năm 2017, anh được tư vấn trồng mắc ca, sau khi được tập huấn, tham quan một số vườn mắc ca trong vùng, anh quyét định chuyển cà phê sang trồng mắc ca và được Hội Nông dân huyện hỗ trợ cây giống.

Cây mắc ca đã giúp rất nhiều hộ đồng bào thiểu số ở Tuy Đức nâng cao thu nhập gấp 2 - 3 lần so với trồng cà phê. Ảnh: Hồng Thủy.

Cây mắc ca đã giúp rất nhiều hộ đồng bào thiểu số ở Tuy Đức nâng cao thu nhập gấp 2 – 3 lần so với trồng cà phê. Ảnh: Hồng Thủy.

“Năm ngoái, tôi đã thu hoạch vụ mắc ca đầu tiên, trái chưa nhiều, nhưng sau khi bán, trừ chi phí vẫn còn lãi 200 triệu đồng. Đây là vụ đầu, chứ 3 năm nữa, nếu chăm tốt, năng suất cao gấp mấy lần vì vườn mắc ca của tôi phát triển tốt lắm. Tôi thấy đất ở đây trồng mắc ca hợp hơn cà phê, tiêu, ngay cả trồng trên đồi cao, thiếu nước mà cây mắc ca vẫn phát triển được. Trong khi chăm sóc cây này dễ hơn cà phê, tiêu, chi phí phân bón, tưới cũng ít hơn cà phê”, anh Điểu Duy phấn khởi.

Một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển vùng trồng mắc ca ở Tuy Đức là HTX Long Việt ở xã Quảng Trực với thâm niên hơn 10 năm. HTX hiện có 22 thành viên chính thức và 45 hộ liên kết, tổng diện tích mắc ca 300ha.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Long Việt cho biết, bình quân mỗi ha mắc ca cho năng suất khoảng 1 – 1,5 tấn, giá từ 100 – 110 ngàn đồng/kg (giá HTX thu mua của các thành viên).

“Năm 2022, một khoảnh vườn mắc ca 100 cây tôi thu được 2,4 tấn trái. Đây là năng suất thuộc loại khủng nhất ở đây. Để đạt năng suất này, ngoài dùng giống mới cho năng suất cao hơn, còn phải nắm rõ quy trình chăm sóc, hiểu cây, hiểu đất.

So với các loại cây trồng dài ngày khác như cà phê, hồ tiêu… thì mắc ca là cây trồng dễ tính, mức đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, trong khi thu nhập lại cao gấp vài lần cà phê. Nhưng để phát triển bền vững và nâng cao giá trị cây mắc ca hơn nữa thì phải gắn với chế biến sâu, tìm đầu ra ổn định. Và điều quan trọng là phải áp dụng quy trình canh tác sạch, theo hướng hữu cơ để vừa có sản phẩm đạt chất lượng, vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ đất sản xuất bền vững, đồng thời an toàn cho nông dân trực tiếp làm việc ở vườn.

Vườn mắc ca trồng xen sầu riêng, canh tác theo hướng hữu cơ của chị Thị Nhên ở Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Ảnh: Hồng Thủy.

Vườn mắc ca trồng xen sầu riêng, canh tác theo hướng hữu cơ của chị Thị Nhên ở Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Ảnh: Hồng Thủy.

“Riêng tôi, ngay từ khi chưa thành lập HTX, tôi đã canh tác theo quy trình VietGAP, và hiện nay đang canh tác hướng hữu cơ. Khi thành lập HTX, canh tác hướng hữu cơ là tiêu chí đầu tiên mà HTX thực hiện”, chị Thuỳ Dung cho biết.

Cây trồng thuận lợi để sản xuất hữu cơ

Với đặc điểm là cây lâu năm, vừa cho hạt, vừa lấy gỗ, tăng độ che phủ đất, cây mắc ca đã được Bộ NN-PTNT công nhận là cây lâm nghiệp đa mục tiêu. Việc phát triển cây mắc ca sẽ mang lại giá trị kép, vừa nâng cao thu nhập, vừa tạo mảng xanh cho đất, nâng cao độ che phủ rừng và bảo vệ môi trường.

Theo ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức, cây mắc ca sinh trưởng, phát triển nhanh, không kén đất, khả năng chống chịu sâu bệnh hại và chịu hạn tốt nên gần như không phải sử dụng thuốc BVTV, nếu chú trọng áp dụng quy trình kỹ thuật không sử dụng phân bón vô cơ, kiểm soát cỏ dại không phun thuốc trừ cỏ thì rất thuận lợi để sản xuất hữu cơ. Huyện Tuy Đức hiện nay cũng đang lan tỏa các mô hình canh tác mắc ca bền vững, theo hướng hữu cơ, tiến tới đạt chuẩn hữu cơ để phát triển cây mắc ca bền vững, nâng cao giá trị thông qua giảm chi phí sản xuất, sản phẩm chất lượng cao.

Kỹ thuật trồng, thu hái, sơ chế, bảo quản mắc ca đơn giản, không cần nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, rất phù hợp với tập quán canh tác truyền thống đơn giản của những hộ đồng bào thiểu số ít vốn, ít kiến thức trong canh tác.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Tuy Đức đã có 8 cơ sở, 2 đại lý thu mua, sơ chế, chế biến mắc ca. Tại xã Quảng Trực, có 2 HTX chuyên sản xuất và thu mua, chế biến hạt mắc ca. Trong đó, HTX Long Việt có sản phẩm mắc ca sấy đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 70ha mắc ca đạt tiêu chuẩn canh tác VietGAP, theo hướng hữu cơ.

Huyện Tuy Đức đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất mắc ca theo hướng hữu cơ, tiến tới làm quy trình chuẩn hữu cơ. Ảnh: Hồng Thủy.

Huyện Tuy Đức đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất mắc ca theo hướng hữu cơ, tiến tới làm quy trình chuẩn hữu cơ. Ảnh: Hồng Thủy.

“Trong thời gian tới, huyện Tuy Đức sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng mắc ca trên những vùng có điều kiện phù hợp, ưu tiên xây dựng, hình thành các vùng trồng mắc ca tập trung theo quy mô lớn tại địa bàn các xã Quảng Trực, Đắk Búk So, Quảng Tâm. Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào chăm sóc, áp dụng quy trình canh tác chuẩn theo hữu cơ, tạo sản phẩm chất lượng”, ông Đoàn Lê Anh nói.

Theo Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, huyện Tuy Đức đặt mục tiêu đạt 3.247ha mắc ca vào năm 2025. Đến năm 2030 tăng lên 5.897ha và đến năm 2050 đạt 6.035ha.

Theo đề án phát triển bền vững cây mắc ca của UBND huyện Tuy Đức, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với đơn vị chức năng rà soát đất lâm nghiệp phù hợp để đưa vào trồng mắc ca theo mô hình nông lâm kết hợp; xây dựng các nhà máy chế biến hạt mắc ca quy mô, tạo đầu ra ổn định. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ thành lập hiệp hội sản xuất mắc ca trên địa bàn; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm hạt mắc ca Tuy Đức…

Theo: nongnghiep.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one